cropped-intoWild-life-2-1.jpg
bao-ve-mat

Tác Hại Của Tia UV Khi Trekking: Không Nên Xem Thường

Đại Hưng

Đại Hưng

"Life is either a daring adventure or nothing"

Khi bạn càng lên cao thì khả năng tiếp xúc với tia UV càng lớn. Cùng intoWild tìm hiểu cách bảo vệ bản thân trước những tác hại của tia UV khi trekking.

Có rất nhiều lý do để bạn có thể ra ngoài và bắt đầu một cuộc thám hiểm leo núi, trekking là tận hưởng không khí trong lành và hưởng thụ một chút ánh nắng mặt trời “refresh” bản thân sau những tháng ngày vùi đầu vào công việc. 

Bên cạnh việc tập luyện thể lực (xem thêm kế hoạch tập luyện thể lực khi đi trekking), lên kế hoạch cho chuyến đi, pack hành lý phù hợp (xem thêm cách chuẩn bị hành lý) thì điều quan trọng bạn cần phải nhớ là mang theo đồ chống nắng đầy đủ. Quần áo chống nắng, kính râm, kem chống nắng và son dưỡng môi sẽ giúp bảo vệ mắt và da của bạn khỏi bị kích ứng, bỏng và tổn thương do tác hại của tia UV khi trekking. 

bao-ve-mat

Bức Xạ UV Là Gì?

Bức xạ tia cực tím là một dạng năng lượng mà mắt người không nhìn thấy được. Tia UV nằm giữa quang phổ ánh sáng nhìn thấy và tia X trên quang phổ điện từ. Trong đó, ba loại bức xạ UV – UVA, UVB và UVC – được phát ra tự nhiên bởi ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, chỉ có tia UVA và một số bức xạ UVB xuyên qua bầu khí quyển của Trái đất. Cùng với việc đi qua bầu khí quyển, bức xạ UVA và UVB xuyên qua lớp ngoài của da, đến các lớp sâu hơn khiến các mô liên kết và mạch máu bị ảnh hưởng.

Ưu Và Nhược Điểm Của Việc Tiếp Xúc Với Bức Xạ UV

Trong khi một số tia bức xạ UV có lợi cho hệ thống miễn dịch bằng cách kích thích sản xuất vitamin D và giúp máu lưu thông dễ dàng hơn, thì việc tiếp xúc quá nhiều với bức xạ UV cũng có nhiều tác dụng phụ bất lợi.

Đối với các lớp biểu bì phía trên của da chúng ta, bức xạ UVA kích hoạt melanin đã có sẵn, dẫn đến da bị rám nắng trong thời gian ngắn. Ngược lại, bức xạ UVB kích thích sản xuất melanin mới, quá nhiều có thể dẫn đến cháy nắng. Tuy nhiên, việc tiếp xúc lâu dài với bức xạ UVA và UVB có thể làm tăng sự phát triển của ung thư da, cũng như làm tổn thương giác mạc và thủy tinh thể của mắt dẫn đến các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể hay viêm kết mạc.

bao-ve-mat

Hãy cùng xê dịch:

Tại Sao Trekking Trên Núi Khiến Bạn Có Nguy Cơ Bị Bức Xạ Tia Cực Tím Cao Hơn?

Khi bạn càng lên cao thì khả năng tiếp xúc với tia UV càng lớn vì bầu khí quyển mỏng hơn và hấp thụ ít tia UV hơn. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, mức độ tia cực tím tăng khoảng 4% với mỗi độ cao tăng thêm 300 mét. Bên cạnh đó, phản xạ là một yếu tố quan trọng khác trong quá trình leo núi cần phải quan tâm vì gần như tất cả bức xạ UVA và UVB sẽ bị phản xạ từ các bề mặt đóng băng và phủ đầy tuyết.

Cuối mùa xuân, mùa hè và đầu mùa thu là thời điểm bắt đầu các chuyến đi thám hiểm đặc biệt là Everest Base Camp, nhưng đây cũng là khoảng thời gian trùng với thời điểm mặt trời mạnh nhất và lượng bức xạ UV cao nhất. 

Sáu yếu tố chính ảnh hưởng đến lượng bức xạ mà bạn có thể tiếp xúc:

  • Độ cao;
  • Địa lý;
  • Sự phản xạ;
  • Thời gian trong ngày;
  • Thời gian trong năm;
  • Điều kiện thời tiết.

Bảo Vệ Bản Thân Khỏi Tác Hại Của Tia UV Khi Trekking

Bạn có thể làm ba điều sau đây để bảo vệ mình khỏi tác hại của tia UV khi trekking: mặc quần áo chống nắng, sử dụng kính râm chống tia UV và thường xuyên thoa kem chống nắng với son dưỡng môi.

1. Quần Áo Chống Nắng

Mặc quần áo phù hợp là cách tốt nhất và đơn giản nhất để bảo vệ bản thân khỏi các tia bức xạ cực tím trong quá trình phiêu lưu đến những vùng đất trên cao. Quần áo tạo ra một lớp chắn vật lý sẽ chặn hầu hết các bức xạ UV đến cơ thể bạn. 

Trong những năm gần đây, nhiều thương hiệu quần áo ngoài trời nổi tiếng cũng đã bắt đầu sản xuất quần áo bằng thuốc nhuộm hoặc hóa chất hấp thụ bức xạ UV, tăng thêm khả năng bảo vệ cho áo sơ mi, hoodies, quần dài, đệm cổ và mũ chống nắng. Những bộ quần áo này sẽ có chỉ số UPF – chỉ số bảo vệ tia cực tím – được đo tương tự như chỉ số SPF – chỉ số bảo vệ chống nắng – dành cho kem chống nắng. Theo Tổ chức Ung thư Da, quần áo ngoài trời đạt chuẩn sẽ có UPF từ 40 đến 50, điều này sẽ loại bỏ khá nhiều tia bức xạ UV truyền đến da của bạn.

bao-ve-mat

2. Kính Râm Chống Tia Cực Tím

Bởi vì kem chống nắng không thể giúp bảo vệ mắt khỏi những tổn thương do ánh mắt trời gây ra, việc tìm cho mình một chuyến kính râm thoải mái và chống tia UV là điều vô cùng quan trọng trong bất kỳ chuyến đi ngoài trời nào. 

Theo Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ, kính râm để trekking leo núi nên ngăn chặn từ 99% đến 100% bức xạ UV, nên kính râm chống tia UV400 có thể chặn các bước sóng có chiều dài lên đến 400 nanomet.

Tuy nhiên, đối với những chuyến đi đến Everest, khi đi qua sông băng hoặc leo lên đỉnh núi phủ đầy tuyết, để có một tầm nhìn rõ ràng cũng quan trọng không kém việc chống tia cực tím. Mặc dù kính râm UV400 là tiêu chuẩn vàng để chống tia UV, nhưng chỉ số đo này không cho biết kính có thể chặn ánh sáng chói hay không. Do đó, bạn nên đảm bảo rằng kính râm UV400 của bạn là loại ISO 3 hoặc 4. Đây là loại kính râm tối nhất trên thị trường và sẽ hấp thụ từ 82 đến 98% ánh sáng nhìn thấy, và loại bỏ hầu hết ánh sáng chói gây hại đến mắt. 

Cùng với các thông số kỹ thuật về tia UV và ánh sáng nhìn thấy, điều quan trọng là phải tìm một cặp kính râm leo núi thoải mái để đeo trong nhiều giờ liên tục khi di chuyển, đổ mồ hôi và ra vào các khu vực có bóng râm. Vì vậy, intoWild khuyên bạn nên đeo kính râm bao quanh, có hình dạng cong để phù hợp với hình dạng khuôn mặt và đầu của bạn. Kính râm cũng phải đi kèm với tấm chắn hai bên có thể tháo rời, giúp thông gió và tương thích với các loại mũ bảo hiểm khác nhau.

bao-ve-mat

3. Kem Chống Nắng Và Son Dưỡng Môi

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyên rằng bất cứ khi nào bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên sử dụng kem chống nắng phổ rộng với SPF tối thiểu là 30. Kem chống nắng SPF 30 bảo vệ người dùng khỏi 97% tia UVB trong tối đa hai giờ, sau đó lớp bảo vệ này nhanh chóng mất đi và cần phải thoa lại nhiều kem chống nắng hơn. Những trekker cũng nên thoa kem chống nắng trước khi ra nắng khoảng 15 phút.

Ngoài mức độ bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời, điều quan trọng là phải tìm được loại kem chống nắng có khả năng chống thấm nước và mồ hôi. Hầu hết các loại kem chống nắng sẽ ghi rõ điều này trên nhãn, vì vậy bạn hãy để ý kỹ trong lúc mua.

Bạn cũng nên để ý đến các thành phần của kem chống nắng trước khi mua. Kẽm oxit là một thành phần phổ biến mang lại hiệu quả bảo vệ, đặc biệt là trong môi trường khắc nghiệt và là chất hữu cơ nên ít gây ô nhiễm hơn. Sự thật là, kem chống nắng có oxybenzone và octinoxate là chất góp phần phá hủy các rạn san hô và thậm chí đã bị cấm ở một số nơi. Nếu bạn có chuyến đi thám hiểm dưới đáy đại dương thì nên tránh sử dụng các loại kem chống nắng có thành phần này.  

Cùng với kem chống nắng, mang theo và sử dụng son dưỡng môi là điều cần thiết vì tất cả những lý do tương tự. Môi là bộ phận thường bị bỏ quên về khả năng chống nắng nhưng cũng bị bỏng nhanh không kém gì da mặt hay cổ.

bao-ve-mat

Vận động ngoài trời, tham gia các cuộc phiêu lưu thám hiểm chưa bao giờ là một ý tưởng xấu. Tuy nhiên, bạn cần phải biết những rủi ro khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và cách bảo vệ bản thân khỏi tác hại của tia UV khi trekking tốt nhất.

Chia sẻ bài viết:

Có thể bạn quan tâm

Bài viết tương tự

caving-cho-nguoi-moi

Hướng Dẫn Khám Phá Hang Động Việt Nam

Hoạt động thám hiểm hang động đối với những người mới bắt đầu có thể đáng sợ nhưng đó là hoạt động hoàn hảo để xoa dịu tò mò của những đứa trẻ bên trong chúng ta.

You cannot copy content of this page

Email is not Boring!

Đăng ký nhận những nội dung mới nhất về du lịch từ intoWild-Life mỗi thứ 6 hàng tuần. Những câu chuyện mới nhất, xu hướng mới và điều thú vị nhất về du lịch sẽ được gửi trực tiếp đến email của bạn. Bạn có thể “ngừng theo dõi” bất cứ lúc nào.

intoWild-Logo-02.png

Cảm ơn bạn đã đăng ký. intoWild sẽ cập nhật những nội dung mới nhất vào mỗi thứ 6 hàng tuần. Hãy giữ liên lạc và giờ bạn có thể tiếp tục trải nghiệm các nội dung khác trên blog.

Hoặc tìm kiếm các trải nghiệm mạo hiểm tại www.intoWild.travel