cropped-intoWild-life-2-1.jpg
sieu-phuot-thu-tran-dang-dang-khoa-da-doi-xe-moi-4

Trần Đặng Đăng Khoa- Hành Trình 1111

Tuấn Tú

Tuấn Tú

People don't take trips, trips take people.

Tất cả những ngày trong hành trình đều là một ngày đáng nhớ. Có những ngày dù không có gì đặc biệt, cảnh xung quanh chỉ toàn cát là cát, đều ghi ấn dấu ấn rất riêng trong anh.

Ngày 16/6, Trần Đặng Đăng Khoa đã khép lại phần một của câu chuyện hành trình vòng quanh các Châu lục của mình trong 1.111 ngày với 200.000 tấm ảnh, video, 800.000 từ trong nhật ký hành trình và hàng trăm câu chuyện truyền cảm hứng về một người trẻ, dám biến ước mơ thành sự thật.

Chàng trai quê Tiền Giang bắt đầu cuộc viễn chinh vòng quanh thế giới từ Sài Gòn, ngày 1/6/2017. Bỏ qua hoài nghi của nhiều người về sự kỳ lạ, viển vông, không tưởng, với Khoa, đây là ước mơ đã được lên kế hoạch chi tiết suốt 20 năm. 

Giữa tháng 4/2020, trước diễn biến phức tạp của Covid-19, anh buộc phải dừng hành trình tại Mozambique, thay vì dấu mốc tròn 3 năm 1/6/2020. 

Trong suốt hành trình trải dài hơn 80.000 km đường của mình, Khoa đã đặt chân tới 7 châu lục, khoảng 65 quốc gia, băng qua đường xích đạo khoảng 8 lần. Trong đó, anh không theo trình tự lần lượt. Cụ thể là châu Á – châu Âu – Nam Mỹ – Bắc Mỹ – châu Âu – Bắc Mỹ – châu Úc – châu Á – châu Úc – Nam Mỹ – châu Nam Cực – Nam Mỹ – Châu Phi, trước khi trở về Việt Nam.

Hành trình của những lần đầu tiên

Đi du lịch một mình không đồng nghĩa với cô đơn, vì bản thân mỗi người có thể tự hòa nhập vào một cộng đồng đó và tự kết bạn với những người bạn mới quanh mình. 

Mang trong mình một hoài bão như vậy, hành trình của Khoa tràn đầy những trải nghiệm để đời. Khoa nhớ hoài lần đầu được ngắm dãy Himalaya hùng vĩ ở Nepal. Lái xe rong ruổi qua cái nắng thiêu đốt và đầy màu sắc văn hóa ở vùng Trung Bắc Ấn. Hay có lần, để băng qua sa mạc đầy hiểm nguy của biên giới Pakistan và Iran, cảnh sát vũ trang đã hỗ trợ Khoa “quá giang” một chặng.

Hành trình của Khoa tuy cô độc nhưng ít cô đơn. Anh chàng vẫn nhớ những hôm uống rượu rakia say “quên lối về” với những người bạn hiền lành và dễ mến ở một ngôi làng nhỏ ở Bulgaria. Rồi lại, ghé thăm thị trấn nhỏ bé xinh đẹp Trebinje, giao lưu với các thanh thiếu niên địa phương thân thiện và dễ mến ở Bosnia & Herzegovina.

Bên cạnh những kỷ niệm vui, những trải nghiệm không suôn sẻ vẫn được chàng phượt thủ trân trọng. Khoa từng bị hết xăng giữa sa mạc Atacama khô hạn nhất thế giới, phải đợi xe đi ngang qua để xin thêm xăng, hoặc có lần vật vã sửa xe bị hỏng ở Georgia trong cái lạnh tê tái của vùng núi Caucasus với sự giúp sức của các bạn địa phương.

Còn hằng hà vô số câu chuyện đường nếu kể chắc hẳn, bạn sẽ phải tốn cho anh chàng cả tuần lễ ròng rã để điểm qua hết được. Nhưng một điều tất yếu, những trải nghiệm này chỉ được kể nhờ vào lúc chàng trai ấy quyết định lên đường.

Bạn đồng hành

“Bạn đồng hành” của Khoa là chiếc xe Wave đời 2008, mang biển số 63. Đây là chiếc xe đầu tiên anh mua và đã theo anh hơn 10 năm, trong các chuyến đi phượt ở Việt Nam và trên khắp thế giới. 

Khoa cho biết, dù anh ngủ ở đâu, chiếc xe cũng phải ở ngay bên cạnh. Khi đi thuê phòng phải hỏi xem có thể mang xe vào hay không, để đỡ mưa gió. Nếu không được sẽ phải khóa cẩn thận. 

“Mình hoàn toàn có thể mua một chiếc xe mới nhưng chuyến đi này, mình muốn gắn bó duy nhất với người bạn đã bên cạnh mình, đưa mình đến mọi nẻo đường suốt 10 năm nay”.

Trong suốt hành trình, chiếc xe từng gặp trục trặc nhiều lần như rơi đèn xi nhan, tuột dây điện, thủng lốp, săm. Hầu hết, anh đều có thể tự sửa và thay thế phụ tùng. Một lần, chiếc xe bị hỏng nặng trên cao tốc US29 tại Mỹ, anh đã may mắn được một người đàn ông địa phương tên Pinto giúp đỡ. Khi ấy, ông chủ động dừng xe và hỏi thăm anh, kéo xe về cho ở nhà và đưa anh đi cả trăm km để sửa xe.

Dấu hiệu ba không

Đi một mình mãi rồi cũng có lúc cảm thấy cô đơn. Khoa chia sẻ, những ngày Tết Âm lịch ở những nơi xa xôi cũng buồn, anh không dám lên facebook vì sợ nhìn thấy hình ảnh các gia đình đoàn viên, vui vầy lại thêm buồn. Những khi hỏng xe, hay ngủ tại một nơi hoang vắng chỉ có tiếng gió lạnh, thú kêu chung quanh cũng thấy bùi ngùi, tự hỏi tại sao mình lại ở một nơi xa xôi thế này, một mình một ngựa, không có ai chung quanh, tại sao phải đi xa thế.

“Cũng hơi bị chạnh lòng nhưng quan trọng là cái đam mê lớn hơn những thứ khác nên thôi kệ, ngủ, sáng hôm sau dậy là xong, tôi quên nhanh lắm, nhiều khi đó lại là ưu điểm”, Khoa cười nói.

Có những khi cô đơn là thế nhưng đến mức khiến Khoa muốn quay về ngay thì không vì chuyện xấu nhất mà Khoa tự quy định với bản thân chưa xảy ra, đó là ba không: không tai nạn, không bị phạt giấy tờ, không bị bệnh.

Khoa tự giao kèo với bản thân, nếu một trong ba điều đó xảy ra thì đó là dấu hiệu nên đi về. Nhưng ba điều đó chưa có điều nào xảy ra cộng thêm lòng ham muốn đi tiếp lấn át hết những thứ khác nên chặng đường khám phá của Khoa vẫn được nối dài.

Trạm tạm nghỉ

Mỗi nơi Khoa đến, mỗi thị trấn, mỗi con phố anh qua đều là những nơi anh chưa bao giờ đến, càng đi xa, càng đi nhiều thì giấc mơ khám phá thế giới của anh càng dần hoàn thiện. Khi đặt chân đến châu Phi, châu lục cuối cùng trong chuyến hành trình tới các châu lục trên thế giới thì cảm xúc trong anh Khoa là niềm hạnh phúc khó tả.

“Có câu những điều tốt đẹp nhất luôn được dành lại sau cùng, tôi chọn châu Phi là điểm đến cuối cùng – châu lục mà rất nhiều người nghĩ về đó. Nghe nói châu Phi nguy hiểm và thực sự nó nguy hiểm thật nhưng tôi rất phấn khích với chim thú, con người ở đó. Ý nghĩa khi trở về châu Phi là trở về với thủy tổ loài người, chặng cuối chuyến đi là trở về nguồn gốc của loài người, tôi thực sự rất vui”, anh Khoa nói.

Sau chuyến đi, điều Khoa học được chính là “Không có thứ gì là nhất. Mỗi ngày, mình được đi và được sống để đón nhận nhiều điều mới”. Tất cả những ngày trong hành trình đều là một ngày đáng nhớ. Có những ngày dù không có gì đặc biệt, cảnh xung quanh chỉ toàn cát là cát, đều ghi ấn dấu ấn rất riêng trong anh. 

Hành trình của giấc mơ

“3 năm vừa rồi tưởng lâu nhưng lại hệt như một giấc mơ vội, cuộc vui nào rồi cũng tàn, không có gì là mãi mãi, trong cuộc đời ngắn ngủi của con người như vậy, nên một lần dám bước đi không ngại ngần như quãng thời gian ấy thì sau này lúc gần đất xa trời cũng không còn gì hối tiếc”, anh chia sẻ

Sau khi tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của nhà nước, sau khi về nhà, anh có thể thực hiện cuốn sách 1111, để dành tiền gây quỹ cho trẻ em mồ côi, cơ nhỡ. “Biết đâu, mình sẽ lại thực hiện những chuyến đi mới”.

Tạm khép lại câu chuyện về hành trình ước mơ của Khoa, intoWild tin chắc đây cũng chỉ là một chặng nghỉ trong hành trình lớn phía trước của anh. Đứng lại, quay về, hồi sức, nạp tiếp các ước mơ và đi xa hơn nữa. Chúc anh luôn nhiều sức khoẻ và mong những hành trình tiếp theo của anh.

Chia sẻ bài viết:

Có thể bạn quan tâm

Bài viết tương tự

You cannot copy content of this page

Email is not Boring!

Đăng ký nhận những nội dung mới nhất về du lịch từ intoWild-Life mỗi thứ 6 hàng tuần. Những câu chuyện mới nhất, xu hướng mới và điều thú vị nhất về du lịch sẽ được gửi trực tiếp đến email của bạn. Bạn có thể “ngừng theo dõi” bất cứ lúc nào.

intoWild-Logo-02.png

Cảm ơn bạn đã đăng ký. intoWild sẽ cập nhật những nội dung mới nhất vào mỗi thứ 6 hàng tuần. Hãy giữ liên lạc và giờ bạn có thể tiếp tục trải nghiệm các nội dung khác trên blog.

Hoặc tìm kiếm các trải nghiệm mạo hiểm tại www.intoWild.travel