cropped-intoWild-life-2-1.jpg

Sarah Davis- Công cuộc xuôi dòng sông Nile

Đại Hưng

Đại Hưng

The journey of a thousand miles begins with a single step.

Sarah Davis, mang quốc tịch Úc, đã chính thức trở thành người phụ nữ đầu tiên chèo kayak dọc theo dòng sông Nile từ thượng nguồn ra đến cửa biển. Và đây là câu chuyện đầu tiên trong chuỗi hành trình đầy nỗ lực của cô ấy.

(*) Câu chuyện được chia sẻ qua lời kể trực tiếp của Sarah.

Một buổi chiều nằm thư giãn tại bãi biển Bondi ở Sydney, tôi (Sarah) nhận ra rằng cuộc sống của mình khá ngọt ngào và bình yên. Tôi đã và đang có một công việc tuyệt vời, sự nghiệp thành công. Nhưng bất giác, tôi lại cảm thấy trống rỗng, một sự thôi thúc tạo ra một dấu ấn cho bản thân, bắt đầu trở nên mạnh mẽ.

Khi ấy, tôi nhận được nguồn cảm hứng quan trọng đầu tiên đến từ hai người – Damien Rider, anh đã hoàn thành hành trình kayak một mình từ Gold Coast đến biển Bondi, và Helen Skelton, cô gái đã chèo thuyền dọc theo chiều dài của sông Amazon. Những câu chuyện ấy đánh thức thứ gì đó sâu thẳm trong tôi.

Sau nhiều trăn trở, tôi quyết định sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên chèo kayak trên toàn bộ chiều dài 4.258mi (6.853km) của sông Nile, từ đầu nguồn của nó ở Rwanda đến Biển Địa Trung Hải. Đây sẽ là một chuyến thám hiểm kết hợp tình yêu kayak, niềm đam mê du lịch, phiêu lưu và thử thách ý chí cá nhân.

Nay khi ý tưởng nảy ra trong đầu, nó nhanh chóng chiếm lấy tâm trí tôi. Trở thành “người đầu tiên” chỉ là thứ yếu – mục đích thực sự đó là có thể chia sẻ cuộc hành trình của chính bản thân mình đến những người phụ nữ vẫn còn đang lưỡng lự chưa dám bước ra vùng an toàn, đâu đó ngoài kia.

Tôi quyết định sử dụng toàn bộ lợi nhuận từ chuyến thám hiểm để quyên góp cho CARE Australia (một phần của tổ chức CARE Quốc tế, một tổ chức cứu trợ nhân đạo toàn cầu tập trung vào việc xóa đói giảm nghèo). Tôi chọn họ không chỉ vì những thành tựu đáng kinh ngạc, thay đổi cuộc sống mà họ đã và đang làm, mà vì việc đặt phụ nữ và trẻ em gái làm trọng tâm của phát triển. Tôi hy vọng hành trình này có thể truyền cảm hứng đến những người phụ nữ khác có thể bước ra, phiêu lưu và chinh phục bản thân.

Không “Wikipedia"

Câu hỏi tiếp theo là chúng ta sẽ cần làm gì cho hành trình khi không hề có bất kỳ trang “Wiki” nào để tham khảo.

Pete Meredith, người đã hoàn thành chặng du thuyền sông Nile vào năm 2004, đã trở thành cố vấn vô giá cho chuyến thám hiểm này. Ngay từ đầu, anh ấy đã nói với tôi, “Sarah, việc chèo thuyền không quá khó đâu.” Vào thời điểm đó, thật sự mà nói, tôi không tin tưởng mấy lời anh ấy. Bây giờ, khi đã đặt chân vào hành trình, tôi đã có thể phần nào cảm nhận được suy nghĩ này của anh. 

Trước đây, tôi cũng đã có nhiều kinh nghiệm thi đấu kayal, nhưng lần này lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Sau nhiều tháng, cuối cùng chuyến thám hiểm của chúng tôi cũng đã bắt đầu với mục tiêu lớn nhất, “Paddle the Nile”. Và đây là cách bản thân đã làm điều đó.

Tìm kiếm cố vấn.

Bước đầu, tất cả là câu chuyện trả lời hàng tá câu hỏi khác nhau xung quanh chuyến đi, bắt đầu như thế nào, khi nào là thích hợp và cần chuẩn bị gì… Tôi lao vào tìm kiếm thông tin từ mọi thứ: sách, phim tài liệu và nói chuyện với những người đã từng thực hiện những chuyến đi tương tự. Đó có thể là nhà báo, cho đến các CEO, và nhiều người khác có kinh nghiệm liên quan. Sự ủng hộ và chia sẻ nhiệt tình của họ đối với những gì tôi đang làm càng củng cố niềm tin về hành trình phía trước.

Pete Meredith, một trong những người đầu tiên tôi tìm đến và anh ấy đã cho tôi những kinh nghiệm quý giá về việc chuẩn bị, giấy phép, cách làm việc với chính quyền để được chấp thuận và hơn thế nữa.

Rủi ro trong hành trình.

Khi tôi nói với mọi người rằng công việc chính của tôi là người quản lý rủi ro thương mại, họ đều bật cười. Vì trớ trêu thay, một người quản lý rủi ro chuyên nghiệp sẽ thực hiện chuyến thám hiểm đầy rẫy những nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa tính mạng.

Nhưng nhất định, một kế hoạch quản lý rủi ro chi tiết cho hành trình rất quan trọng. Nó cũng giúp ích để tôi kiểm soát nỗi sợ hãi của mình. Phân tích các tình huống chuẩn xác sẽ giúp tôi có quan điểm và xây dựng kế hoạch để giảm thiểu rủi ro tối đa. Thế nhưng, khoảng cách giữa kế hoạch và thực tế lúc nào cũng có.

Rủi ro được chia thành năm loại: động vật (cá sấu, hà mã); môi trường (ghềnh sông, đá, nhiệt độ); bệnh tật và thương tích (sốt rét, gãy xương, ngộ độc thực phẩm); các tình huống nguy hiểm (bị tấn công, trộm cắp); và các vấn đề về thiết bị (vỡ, hư hỏng, thất lạc). Thách thức của tôi là xác định và khống chế rủi ro ở mức độ mà bản có thể xử lý.

Đứng đầu danh sách là cá sấu và hà mã – chúng đủ để khiến tôi mất ngủ vào ban đêm. Cá sấu trưởng thành , có khi lên đến khoảng 13ft (4m), được biết đến là rất hung dữ và cơ hội. Nghe thật kích thích đúng không? Còn hà mã nổi tiếng hung dữ không kém và được coi là loài động vật có vú trên cạn lớn nhất thế giới. Mặc dù chúng không có ưu thế về tốc độ, nhưng chúng di chuyển rất nhanh ở cả dưới nước và trên cạn. Và hơn hết, chúng mang theo một bộ hàm cực lớn và khoẻ. Cá sấu và hà mã sẽ là mối đe dọa chủ yếu khi đi qua Rwanda, Tanzania và Uganda – xuôi xuống một chút qua Nam Sudan và hơn thế nữa.

Nam Sudan cũng đi kèm với những rủi ro riêng biệt. Đất nước đã trải qua xung đột đáng kể trong thời gian qua, với các cuộc giao tranh sắc tộc vẫn còn đang diễn ra. Chưa dừng lại ở đó, nơi đây còn có hạn hán và tình trạng thiếu lương thực trên diện rộng. Việc di chuyển qua đây sẽ yêu cầu hỗ trợ an ninh chặt chẽ và liên tục theo dõi tình hình với các nguồn thông tin chính thống thường xuyên.

Một nỗi lo khác là nguy cơ ốm đau, bệnh tật. Có rất nhiều bệnh truyền nhiễm thông qua nguồn nước, thức ăn và côn trùng có thể gây chết người. Điều này có nghĩa là tôi phải có bộ dụng cụ y tế đầy đủ, nhất là bắt buộc tiêm chủng ngừa tất cả các bệnh nhiệt đới sẽ là yếu tố tiên quyết. Ngoài ra, chúng ta cần luôn tính toán các điểm thoát hiểm, sơ tán và trung tâm y tế địa phương phân bổ như thế nào, ở đâu trên suốt hành trình. Nó như một cuộc chiến thật thụ và bạn chỉ có thể lâm trận khi mang một bộ áo giáp tốt.

Lựa chọn tuyến đường.

Google Earth là người bạn thân mới của tôi. Mọi người có thể nghĩ rằng lộ trình rất đơn giản – hãy đi theo con sông! Nhưng thực tế còn nhiều hơn thế nữa. Các điểm thoát hiểm phải được xác định trong trường hợp khẩn cấp, phải lập danh sách các trung tâm y tế, đồn cảnh sát, địa chỉ liên lạc của đại sứ quán và các quan chức chính phủ dọc theo sông Nile. Tôi cũng cần thiết lập chỉ tiêu cụ thể cho từng ngày, những việc cần làm trong trường hợp khẩn cấp…

Càng làm tôi càng nhận ra, bản thân cần chuẩn bị nhiều hơn việc chỉ đơn giản nối hai hoặc nhiều điểm để thành một hành trình.

Mối quan tâm lớn nhất của tôi, khi nói đến tuyến đường, là các ghềnh ẩn – do đó, cần có hướng dẫn viên đi bè và người chèo có kinh nghiệm cố vấn, cũng như nghiên cứu về địa hình sông càng nhiều càng tốt. Có những ghềnh thác lớn qua Rwanda và Uganda, với một số đoạn cần phải mang bè đi bộ vòng chúng. Rất nhiều ghềnh cấp IV và V, với một số ghềnh cấp VI, mà tôi chắc chắn phải đối mặt! Rủi ro ở đây là lật thuyền. Nếu điều đó xảy ra, các ghềnh ẩn này có thể nhấn chìm tôi xuống đáy – tôi có thể bị mắc kẹt bởi các vật thể trong nước và sau đó là công chuyện của những con cá sấu và hà mã luôn ẩn nấp sẵn. Ngoài ra, có có nguy cơ mất các thiết bị quan trọng, chẳng hạn như thiết bị liên lạc, bộ sạc năng lượng mặt trời và máy lọc nước.

Trang bị của bản thân.

Giữa tất cả những khâu chuẩn bị đầy tính tổ chức này, tôi đã phải chuẩn bị cho mình một tinh thần sẵn sàng. Tôi tham gia những khóa đào tạo sơ cứu từ xa, các bài học tự vệ, đào tạo sinh tồn nơi hoang dã, khóa học dành cho kỹ thuật viên cứu hộ nước nhanh và đào tạo đi bè trên mặt sóng. Tôi tập gym bốn lần một tuần và tất nhiên, chèo rất nhiều – ba đến bốn lần một tuần.

Cuộc thám hiểm này còn có rất nhiều công việc, có thể là một chặng đường khó khăn và đôi khi nó như một chuyến tàu lượn siêu tốc đầy cảm xúc – nhưng tôi yêu từng phút từng giây khi thực hiện nó.

Mọi thứ đều đã sẵn sàng để xuôi bè dọc sông Nile.

Ghi chú từ người dịch: Các bạn có thể theo dõi trọn vẹn hành trình của cô thông qua từ khoá “Sarah Davis – Paddle The Nile”.

(*) Lượt dịch từ bài viết: Where Is the Wiki?!

Chia sẻ bài viết:

Có thể bạn quan tâm

Bài viết tương tự

You cannot copy content of this page

Email is not Boring!

Đăng ký nhận những nội dung mới nhất về du lịch từ intoWild-Life mỗi thứ 6 hàng tuần. Những câu chuyện mới nhất, xu hướng mới và điều thú vị nhất về du lịch sẽ được gửi trực tiếp đến email của bạn. Bạn có thể “ngừng theo dõi” bất cứ lúc nào.

intoWild-Logo-02.png

Cảm ơn bạn đã đăng ký. intoWild sẽ cập nhật những nội dung mới nhất vào mỗi thứ 6 hàng tuần. Hãy giữ liên lạc và giờ bạn có thể tiếp tục trải nghiệm các nội dung khác trên blog.

Hoặc tìm kiếm các trải nghiệm mạo hiểm tại www.intoWild.travel