cropped-intoWild-life-2-1.jpg
lung-cung

Hành Trình Chinh Phục Thảo Nguyên Xanh Trên Mây Tại Lùng Cúng

Đại Hưng

Đại Hưng

“Life is either a daring adventure or nothing.”

Nếu bạn là một tín đồ xê dịch và đam mê những cung đường trekking săn mây đẹp như mơ thì chắc chắn không thể bỏ qua Lùng Cúng.

Nếu bạn là một tín đồ xê dịch và đam mê những cung đường trekking săn mây đẹp như mơ thì chắc chắn không thể bỏ qua Lùng Cúng. Nằm ở độ cao 2.913m so với mực nước biển, đã có lúc, Lùng Cúng là đỉnh cao thứ 10 trong top ngọn núi cao nhất Việt Nam, cho đến khi Chung Nhía Vũ được khám phá với 2.918m. Nhưng Lùng Cúng không cuốn hút các phượt thủ bằng độ cao mà là bằng biển mây bồng bềnh, chinh phục mọi kẻ mê mây đại ngàn. Trong vài năm gần đây, Lùng Cúng đã chính thức góp mặt vào các điểm săn mây đẹp nhất nhì Tây Bắc. Bạn có thể xem thêm các địa danh hàng đầu tại Top những địa điểm săn mây đẹp nhất miền Bắc.

Nằm biệt lập ở Tú Lệ, Yên Bái, cách khá xa những ngọn núi khác với con đường tiếp cận chân núi khá vất vả, Lùng Cúng là đỉnh cao nhất nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, chứa đựng vẻ đẹp vô cùng riêng biệt. Không rõ ngọn núi này có tên gọi khác hay không, chỉ biết rằng Lùng Cúng được đặt theo tên một bản làng nằm sâu trong vùng núi hiểm trở tại Nậm Có, Mù Cang Chải: bản Lùng Cúng. Những đồi cỏ lau mộng mơ, những khoảng rừng trúc mờ ảo và một đỉnh núi thoáng rộng bậc nhất trong tất cả các núi ở Việt Nam, nơi đỉnh chóp 2.913m với thiên đường mây bao phủ. Đó là Lùng Cúng. Bạn sẽ bắt gặp một thế giới rất khác ở trên cao – thế giới mây trên Lùng Cúng.

Sau kì săn mùa vàng tháng 9, tôi quyết định chinh phục ngọn núi và trekking Lùng Cúng vào một sáng đầu đông. Và tôi đã có một chuyến đi cực ấn tượng với bạn đồng hành cùng Wildbuddy và anh porter bản địa thân thiện.

Tổng quãng đường trek là 20km, nếu ngang qua Tà Cồ Y thì tầm 28km. Tôi đánh giá độ đẹp cung Lùng Cúng 9/10 và độ khó cung 5/10. Đỉnh Lùng Cúng bảo dễ mà không hề dễ. Hành trình khá gian nan với đoạn đường đá off-road gồ ghề, khó lòng đi bộ, nhiều đoạn dốc tức ngực và tiết trời đầy sương mù. Vì vậy, bạn cần đảm bảo về mặt thể lực trước khi chinh chiến Lùng Cúng. Tham khảo ngay Các Bài Tập Bổ Trợ Thể Lực Cần Thiết Trước Khi Trekking cho hành trình dễ dàng hơn nhé.

lung-cung

Bước vào hành trình

NGÀY 1: HÀ NỘI – TÚ LỆ

Sau khi đặt trước tour Lùng Cúng, tôi bay thẳng ra Hà Nội để gặp đoàn. Tối đó, xe khởi hành đưa cả bọn tiến về Tú Lệ – Yên Bái và nghỉ đêm ở đây. Có 03 hướng để leo Lùng Cúng: hướng bản Tu San, hướng bản Lùng Cúng và hướng bản Thào Chua Chải. Với lịch trình 02 ngày 03 đêm thì hướng bản Tu San là gần nhất và dễ trek nhất cho lần đầu tiên.

NGÀY 2: TÚ LỆ – ĐIỂM TRẠI

Ngày đầu tiên, tôi đã phải vượt qua 15km offroad đường đá hộc từ Tú Lệ để đến điểm bắt đầu trek ở bản Tu San. Sẽ có đoàn xế ôm của các anh em người bản địa đón bạn từ sớm và không quên “tiên sự” trước cho bạn rằng đoạn đường vào Tu San khó đi như thế nào. Con xe Win chở tôi đi qua đường đất dốc đứng, suối đầy sỏi đá và cả những hộc nước ngập ngang bánh xe. Win là loại xe phổ biến nhất với bà con người H’Mông ở đây vì nó là phương tiện chạy tốt trên các địa hình hiểm trở.

Đúng như lời nhắc nhở. Đường bùn đất, lầy lội, dốc cao lại nhỏ hẹp. Nếu đi vào mùa mưa, độ khó sẽ tăng gấp bội. Nhờ tay lái lụa mà cả đoàn đã vượt gian nan đầu tiên một cách ngoạn mục, tiếp cận bản làng gần chân núi nhất để trekking chinh phục ngọn núi này. Đến bìa rừng, anh em xế ôm chúc chúng tôi lên đường an toàn và chinh phục thành công đỉnh Lùng Cúng.

Bỏ lại đoạn đường hiểm hóc và rời khỏi bản Tu San im lìm, chúng tôi chính thức bước vào hành trình đến với Lùng Cúng. Đón chân chúng tôi là những cánh rừng thảo quả và đồng lau bạt ngàn bắt đầu hiện ra trước mắt. Càng vào sâu, rừng càng rậm và âm u hơn, tôi đã thấy những con dốc lấp ló. Những ngọn núi cao ở Tây Bắc thường có suối nước và Lùng Cúng cũng không ngoại lệ. Đường ra suối chỉ có người bản địa biết, các anh Wildbuddy đưa cả nhóm đến một con suối trong vắt chảy ào ào qua những phiến đá lớn để nghỉ trưa và ăn uống lấy sức. Sau đó, lại tiếp tục trek sâu vào rừng nguyên sinh, leo dốc trên núi.

lung-cung
lung-cung

Ở Lùng Cúng là cả một hệ thống rừng nguyên sinh đa dạng và cực kỳ hoang sơ, đẹp vào hàng bậc nhất tại Việt Nam, gồm: rừng cỏ lau, rừng cây hạt dẻ cổ thụ, rừng trúc Nậm Có (tương tự rừng trúc ở Mồ Dề Háng Sung), rừng phong lá đỏ, rừng hoa đỗ quyên và rừng táo mèo cổ thụ 3.000 gốc. Nếu yêu thích những cánh rừng rậm huyền bí này, bạn có thể tham khảo thêm tại Điểm danh những khu rừng cổ tích vùng Tây Bắc.

Mỗi mùa trong năm, Lùng Cúng lại sở hữu vẻ đẹp khác nhau. Bạn sẽ ngang qua những khu rừng nở trắng hoa táo mèo, rừng trúc phủ đầy rêu phong cả những phiến đá kỳ dị, những cây cổ thụ già nua ngàn năm tuổi nằm nép mình giữa mảng xanh thiên nhiên tươi mát. Nếu đi tầm tháng 9, tháng 10, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng rừng táo mèo độc bản của Lùng Cúng. Thời gian này, Tây Bắc cũng sẽ vào mùa vàng – mùa đẹp nhất của ruộng bậc thang. Tháng 11 đến tháng 04 hàng năm là mùa săn mây độc đáo nhất Tây Bắc. Bạn có thể kết hợp săn hoa dã quỳ vàng rực vào tháng 11, 12 và sắc tím đỗ quyên vào tháng 03. Tháng 01 tháng 02 là mùa đào, mùa mận yên ả. Không nên đi vào tháng 05 đến tháng 08 vì mùa mưa lũ kéo dài gây sạt lở, mất dấu và dễ lạc đường.

Ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, mây mù bắt đầu bao phủ dày đặc khắp cánh rừng. Chỉ cách nhau vài chục mét là đã khuất dạng. Mọi người bắt đầu lạc vào cánh rừng già âm u với những thân cây dẻ cổ thụ, rồi cây dây leo chằng chịt. Có những gốc đại thụ thân khổng lồ ba người ôm không xuể. Cây cao vút, thẳng tắp trong sương mù, chẳng thấy ngọn đâu. Giữa màu xanh ngắt của rừng già, lác đác những cây phong cổ thụ lá ngả vàng, ngả đỏ đầy cuốn hút, cùng từng mảng rêu rầm rì đan xen giữa cánh rừng mờ sương, trông quỷ dị và ấn tượng vô cùng. Theo chân anh Wildbuddy, để gặp mùa rừng phong thay lá đẹp nhất, tôi nên đi vào khoảng từ cuối tháng 11 đến tết dương lịch.

lùng cúng

Cây cối rợp che kín cả bầu trời, khiến cho cánh rừng như sập tối. Tầm 16 giờ, tôi lên đến lán trại ở độ cao 2.500m. Nơi chúng tôi hạ trại là một lán gỗ của người Mông, được bà con dựng giữa những tán cây cổ thụ với một lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc. Người bản địa H’Mông thường đến đây trú mưa rừng trong mỗi chuyến đi. Tối đến, bên ngọn lửa trại và BBQ thơm nức cùng chén rượu Tây Bắc ấm lòng, cả đoàn quây quần bên nhau và lắng nghe anh Wildbuddy kể chuyện về văn hóa người H’Mông. Sau đó, đi ngủ sớm, hẹn ngày mai ngắm mây “bồng bềnh”.

NGÀY 3: ĐIỂM TRẠI – ĐỈNH – TÚ LỆ – HÀ NỘI

Để bắt trọn hình ảnh biển mây đại ngàn và bình minh sáng sớm, chúng tôi đã dậy từ rất sớm. Càng lên cao nhiệt độ trên núi càng giảm, Lùng Cúng lúc ấy chỉ tầm 8 độ C. Sẽ tùy vào thời tiết mà Wildbuddy và porter dẫn đường của bạn quyết định nên bắt đầu khởi hành lúc mấy giờ. Vì săn mây không phải chỉ đi đúng mùa mây mà còn phải tiên lượng được thời tiết nữa.

Đúng giờ đoàn lên đường, đi trong lúc màn đêm còn tịch mịch, hơi rừng lạnh buốt. Đoàn người soi đèn pin và đi lên đỉnh núi, càng lên cao càng thấy trời sao hiện rõ, biển mây lấp ló trong đêm. Đến gần đỉnh núi, khung cảnh trở nên quang đãng, không gian bao la bốn phía. Chúng tôi đi men những đoạn vực gió lớn, bốn bề là núi. Trời ngày càng tỏ, tôi đã thấy những bản làng nhỏ, xa tít bên kia thung lũng. Dù gió đang hút xuống sau lưng, đang thốc ngược vào mặt, nhưng tôi vẫn cố bước thật nhanh. Càng vượt hết dốc càng thấy rõ mồn một ngọn cờ đỏ thẫm của một bạn trong đoàn mang theo. Chắc bạn ấy đã cắm ở đỉnh rồi. Thấy ngọn cờ là thấy đỉnh Lùng Cúng.

lung-cung
lung-cung

Và thế là sau một giờ xuất phát, chúng tôi đã đặt chân tới khu vực đỉnh núi gắn chóp inox ghi độ cao 2.913m. Không giống với một số núi khác đã chinh phục, đỉnh Lùng Cúng khá bằng phẳng, rộng rãi, không gian khoáng đạt và mênh mông, chỉ toàn đồi cỏ cùng những bụi cây thấp. Trước mắt tôi là… biển mây bao la, bồng bềnh trôi lững lờ theo gió. May quá, tôi kịp chứng kiến bình minh đang lên và phía xa kia ửng đỏ cả góc trời. Đứng ở đỉnh Lùng Cúng, bạn có thể ngắm thung lũng mây bay bên dưới, nơi có bản Lùng Cúng. Rồi nhìn sang xã Chế Cu Nha hay xa hơn là núi rừng xã Nậm Xây (huyện Văn Bàn, Lào Cai). Chẳng còn nhớ đoạn đường off-road gian nan hay cung đường xuyên rừng đầy dốc, chỉ có thể lặng yên chiêm ngưỡng hùng quan kỳ vĩ của đất trời với thiên đường mây Lùng Cúng dưới chân. Với tôi, mây Lùng Cúng đẹp gấp mấy lần mây núi Muối. Chờ nắng lên cao, gió bắt đầu nổi lên từ dưới thung lũng cuộn trào, mang theo mây dậy sóng. Mây cuồn cuộn, mây tràn quanh đồi cỏ, mây luồn lách lên vách núi. Nhờ có nắng, không khí dịu hẳn và bớt rét mướt hơn.

Tạm biệt đỉnh cao, chúng tôi quay về lán trại. Trời sáng bừng giúp tôi nhìn rõ con đường đi xuống hơn. Dường như chúng tôi đang đi xuyên khu rừng nguyên sinh có cảnh quan đẹp nhất vùng Tu San này. Những phiến đá to lớn, rêu phong, bằng phẳng. Suối thác, rồi rừng rậm, nhiều thảm thực vật lạ với những tán trúc đan xen nhau trong bóng nắng và cả những cây sặc lá nhỏ, thân nhỏ hơn thân trúc, đan nhau chằng chịt. Nghỉ ngơi và ăn trưa tại lán trại xong, cả đoàn dọn dẹp và bắt đầu xuống núi theo hướng trekking mới. Cung đường này có thảm thực vật vô cùng độc đáo và nổi tiếng nhất nhì Tây Bắc: thung lũng Tà Cồ Y. Tà Cồ Y là thảo nguyên giữa núi, trên độ cao 1.900m, độc lập và tách biệt. Khung cảnh còn bình yên và hoang sơ. Đến Tà Cồ Y, bạn sẽ được ngắm dòng suối chảy giữa thung lũng, đồng cỏ chuyển sắc theo mùa, đàn gia súc chậm rãi, thong dong gặm cỏ. Anh Wildbuddy nói, đây là thiên đường của những thiên đường. Đi sao về vậy, trạm cuối bìa rừng sẽ thêm off-road như bay trên không cùng đoàn “xế” Win ngày hôm qua. Họ niềm nở đón chúng tôi không quên hẹn một ngày nào đó quay lại. Tại đây, tôi cũng chia tay Wildbuddy và anh porter người H’Mông chịu khó và cực thân thiện.

Đến Tà Cồ Y, bạn sẽ được ngắm dòng suối chảy giữa thung lũng, đồng cỏ chuyển sắc theo mùa, đàn gia súc chậm rãi, thong dong gặm cỏ. Anh Wildbuddy nói, đây là thiên đường của những thiên đường. Đi sao về vậy, trạm cuối bìa rừng sẽ thêm off-road như bay trên không cùng đoàn “xế” Win ngày hôm qua. Họ niềm nở đón chúng tôi không quên hẹn một ngày nào đó quay lại. Tại đây, tôi cũng chia tay Wildbuddy và anh porter người H’Mông chịu khó và cực thân thiện.

Tối đó, sau bữa ăn liên hoan bên chén rượu Tây Bắc quen thuộc, cả đoàn tạm biệt Tú Lệ và trở về với Hà Nội.

Vậy là hành trình đến với mây ngàn Lùng Cúng đã kết thúc. Với tôi, Lùng Cúng là di sản của thiên nhiên hùng vĩ giữa đại ngàn Tây Bắc. Từ bản Lùng Cúng với 06 dòng họ người H’Mông: Cháng, Giàng, Thò, Vàng, Lý Lù, họ sống hiền lành, thân thiện, vẫn ngày đêm giữ nguyên bản sắc văn hóa lẫn những cánh rừng nguyên sinh tận sâu trong lòng Lùng Cúng.  Nếu bạn đến đây hãy góp tay cùng họ gìn giữ từng tấc đất, từng thân cây Lùng Cúng bằng cách luôn mang rác về nhà nhé.

Chia sẻ bài viết:

Có thể bạn quan tâm

Bài viết tương tự

You cannot copy content of this page

Email is not Boring!

Đăng ký nhận những nội dung mới nhất về du lịch từ intoWild-Life mỗi thứ 6 hàng tuần. Những câu chuyện mới nhất, xu hướng mới và điều thú vị nhất về du lịch sẽ được gửi trực tiếp đến email của bạn. Bạn có thể “ngừng theo dõi” bất cứ lúc nào.

intoWild-Logo-02.png

Cảm ơn bạn đã đăng ký. intoWild sẽ cập nhật những nội dung mới nhất vào mỗi thứ 6 hàng tuần. Hãy giữ liên lạc và giờ bạn có thể tiếp tục trải nghiệm các nội dung khác trên blog.

Hoặc tìm kiếm các trải nghiệm mạo hiểm tại www.intoWild.travel