Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the wordpress-seo domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /var/www/html/wp-includes/functions.php on line 6114
Gợi Ý Những Làng Bản Đẹp Như Tranh Thuỷ Mặc Tại Hà Giang - intoWild
cropped-intoWild-life-2-1.jpg
lang-mac-ha-giang

Gợi Ý Những Làng Bản Đẹp Như Tranh Thuỷ Mặc Tại Hà Giang

Đại Hưng

Đại Hưng

“Life is either a daring adventure or nothing.”

Nếu Tây Bắc gắn liền trong tâm trí mọi phượt thủ thì cung Đông Bắc với điểm đến Hà Giang sẽ mở ra hành trình chinh phục vùng đất mới cho các tay trek mê khám phá thiên nhiên.

Thêm mùa trek nữa lại về, thêm lời mời gọi từ cung đường phượt phía Bắc xa xôi. Nếu Tây Bắc gắn liền trong tâm trí mọi phượt thủ thì cung Đông Bắc với điểm đến Hà Giang sẽ mở ra hành trình chinh phục vùng đất mới cho các tay trek mê khám phá thiên nhiên.

Tạm quên một Hà Giang sừng sững với dãy Tây Côn Lĩnh huyền thoại, không ghi nhớ những chuyến lượn dù trên không ngắm lúa Hoàng Su Phì vàng ươm. Hãy phóng khoáng và cởi mở với một Hà Giang đắm chìm sương phủ cùng những bản làng nguyên sơ và bình dị, ẩn hiện giữa thung lũng hay triền núi trên rẻo cao.

Tiến vào sâu hơn từng con bản vắng lặng để hiểu sâu hơn cuộc sống tưởng bình thường nhưng lại rất phi thường của đất trời nơi đây và để yêu hơn cái nhìn nồng ấm hay nụ cười thân thiện của con người cao nguyên đá. Cùng intoWild đến với 7 làng bản Hà Giang đẹp tựa tranh nơi địa đầu đất nước nhé.

Sủng Là (Đồng Văn)

Điểm đến đầu tiên, Sủng Là.

Sủng Là nằm trên tuyến QL4C, cách Đồng Văn hơn 20km, là xã vùng cao đẹp nhất toàn cao nguyên đá. Sủng Là nằm giữa những dãy núi đá tai mèo nhấp nhô, quanh năm mây mờ bao phủ, thế nhưng ốc đảo này vẫn tràn đầy sức sống. Ở Sủng Là, người Mông trồng hoa tam giác mạch và hoa cải trên đồi cao; vùng đáy thung lũng thì trồng ngô và lúa. Mỗi độ tháng 11 về, khi Hà Giang tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch trên cao nguyên đá thì tam giác mạch ở thung lũng Sủng Là là đẹp nhất.

Ngoài chợ phiên Phó Bảng, Sủng Là còn nổi tiếng với làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm, nơi gìn giữ nhiều tinh hoa văn hóa vật thể và phi vật thể, qua các bài hát dân gian, điệu múa, nhạc cụ… Nét đặc trưng nhất của Lũng Cẩm là những ngôi nhà trình tường cổ, có tuổi đời đến trăm năm của ba dân tộc: Lô Lô, Mông và Hán; được tái hiện rõ nét và sinh động nhất thông qua ngôi nhà nổi tiếng trong phim: “Chuyện của Pao”. Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân vào nhà của Pao là kiến trúc độc đáo cùng hơn 100 năm lịch sử mà vẫn giữ được sự mộc mạc, xưa cũ. Mọi thứ vẹn nguyên cho đến tận bây giờ.

Các lễ hội quan trọng: lễ hội hoa tam giác mạch (tháng 11).

sung-la-dong-van
sung-la-dong-van

Lao Xa (Đồng Văn)

Cũng nằm tại Sủng Là, nhưng khác với thôn Lũng Cẩm, bản Lao Xa đẹp hoang sơ và nguyên bản hơn vì nằm tách biệt hẳn QL4C. Lao Xa là bản giáp biên viễn với Trung Quốc và cách trung tâm Sủng Là tầm 9km.

Con đường dẫn vào Lao Xa bé nhỏ, nằm cheo leo, ngoằn ngoèo hiện vẫn khó đi nên Lao Xa vẫn còn là cái tên rất “lạ” với các tay mê trek. Trong bản Lao Xa, các ngôi nhà nằm lớp cao lớp thấp, bức tường toàn đá xen mỏm đá tai mèo và núi đá tai mèo, nhìn đẹp một cách lạ mắt. Đẹp nhất là những ngôi nhà cổ với gần 100 năm tuổi. Bản Lao Xa chỉ vỏn vẹn hơn 100 hộ dân sinh sống, đa số là người Mông nên các ngôi nhà sẽ theo kiến trúc trình tường kiểu Mông với cây đào, cây mận được trồng trước hiên.

Bản Lao Xa có hai điểm đặc trưng rất khác khi sở hữu nghề đúc bạc truyền thống của dòng họ Mua qua nhiều đời; trẻ em ở Lao Xa hồn nhiên, thân thiện chưa bị du lịch hóa. Lao Xa chẳng có gì ngoài vẻ đẹp yên bình, tĩnh lặng và hồn hậu chất phác.

lao-xa-sung-la

Phố Cáo

Xa hơn Sủng Là là thị trấn Phố Cáo. Ở Phố Cáo, người Mông chiếm 90%, do đó, những đặc trưng văn hóa đều mang đậm bản sắc dân tộc Mông. Ngoài ra, còn có người Dao, Hán, Pu Péo… Tuy cuộc sống khó khăn nhưng họ lại rất thân thiện và mến khách.

Phố Cáo rất bình yên, thi thoảng mới lác đác vài chân trek tìm đến. Điều làm nên vẻ đẹp cuốn hút của Phố Cáo đến từ chất mộc mạc của người bản địa, cái nguyên sơ êm đềm của vùng đất và cả những cánh đồng hoa tam giác mạch trải rộng bạt ngàn, uốn lượn khắp triền đồi. Cuối cùng là những mái nhà trình tường qua bao năm tháng vẫn vững vàng giữa rẻo cao. Kiến trúc nhà trình tường lớp mái ngói âm dương của Phố Cáo độc đáo với bức tường màu vàng hoặc nâu đỏ, khoe sắc rực rỡ dưới ánh nắng hanh hao, mang theo chút hoài cổ thâm trầm.

Phố Cáo cũng là điểm đến ngắm những mùa hoa rất đẹp. Ngoài thung lũng hoa tam giác mạch, cứ mỗi độ mùa hoa nở, mỗi mái nhà ở đây như sáng bừng sức sống, bởi trước nhà đều có gốc mận trắng hay đào hồng, cứ thế tô điểm góc trời. Nếu đến đây vào mùa xuân, bạn sẽ có dịp tham gia Hội xuân khèn Mông đặc sắc.

Các lễ hội quan trọng: hội xuân khèn Mông (tháng giêng).

pho-cao-ha-giang

Phó Bảng

Mệnh danh là “nàng thiếu phụ đang ngủ quên”, Phó Bảng là thị trấn nhỏ có hai con phố và 50 ngôi nhà cổ nằm rải rác. Nổi bật với mái ngói đỏ thẫm lợp trên vách nhà đất, những câu đối đỏ viết bằng chữ Hán treo hai bên cửa, xung quanh được bao bọc bởi hàng rào đá xinh xẻo. Đơn sơ mà cũng cuốn hút vô cùng. Khi còn là thủ phủ của huyện Đồng Văn cũ, Phó Bảng có tên gọi là “Phố Bảng”, nằm sát biên giới Việt Trung và sâu hút bên trong thung lũng Tai Mèo. Đây là nơi an cư lập nghiệp của người Mông và người Hoa. Họ trồng hoa hồng, ngô và cải dọc mọi con đường. Họ cũng hay treo bắp ngô lên cột nhà tạo nên khung cảnh độc đáo.

Phó Bảng như tách mình ra khỏi nửa còn lại thế giới để hài lòng với cuộc sống giản dị nhưng được cái an yên. Hành trình đến Phó Bảng khá lý thú khi băng rừng vượt núi qua con đèo hiểm trở, bên núi cao, bên vực sâu dấy lên cảm giác đầy thử thách. Nhờ đó, Phó Bảng vẫn giữ được nét cổ kính và tĩnh mịch xuyên không gian và thời gian. 

Lô Lô Chải

Có một ngôi làng nằm ngay dưới chân ngọn núi Rồng, chỉ cách cột cờ Lũng Cú huyền thoại tầm 1km, đó là làng Lô Lô Chải, thuộc xã Lũng Cú.

Lô Lô Chải – nơi sinh sống của đại bộ phận người Lô Lô và người Mông. Nhờ những con người chân chất ấy mà Lô Lô Chải vẫn còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc đến tận ngày nay. Bước vào ngôi làng Lô Lô Chải là bước vào thế giới cổ tích với những ngôi nhà trình tường vách nâu lợp mái lá, thấp thoáng hàng rào đá và mái hiên phơi đầy bắp ngô đầu vụ. Có chút ngẩn ngơ trước vạt cải xanh rì ở hiên nhà người Lô Lô. Xa hơn, những vạt hoa cúc cam tuyệt đẹp đang nở bung rực rỡ.

Giá trị văn hóa của Lô Lô Chải không chỉ thể hiện qua các lễ hội lâu đời mà còn ở những bộ trang phục dân tộc cầu kỳ và sặc sỡ – tinh hoa từ sự cần cù của người phụ nữ Lô Lô trên từng họa tiết thêu tay. Đặc biệt, đừng quên trải nghiệm văn hóa bản địa qua tiếng trống đồng và điệu nhảy Lô Lô. Với người Lô Lô, trống đồng là bảo vật và Lô Lô Chải được cho là làng duy nhất trên thế giới còn sử dụng nhạc cụ trống đồng cổ.

Các lễ hội quan trọng: tết người Lô Lô (tháng giêng), lễ hội cầu mưa (tháng ba âm lịch).

lo-lo-chai

Thiên Hương (Đồng Văn)

Còn có tên gọi khác là làng Mã Pắng, làng cổ Thiên Hương dù nằm ngay thị trấn Đồng Văn nhưng khá ít người biết đến. Đường vào làng khá trắc trở với 30 phút đi xe trên đường lầy lội, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm và nằm rất gần biên giới Trung Quốc.

Ấn tượng đầu tiên với làng cổ Thiên Hương là cảm giác rất đỗi bình yên. Không tiếng còi xe, không công trình xây dựng, chỉ có những cây đa cổ thụ 500 năm tuổi, đứng sừng sững giữa đất trời miền cao và những ngôi nhà trình tường cổ. Nhà trình tường ở đây gần trăm tuổi và được xây dựng theo kiến trúc cổ xưa, mái ngói âm dương bao bọc, tường xây bằng đất. Tuy đã cũ nhưng vững vàng như làng cổ Thiên Hương.

Làng cổ Thiên Hương là nơi sinh sống của người Tày và Giáy, họ vẫn rất nghèo với nghề nông và làm rượu nhưng rất hồn hậu và luôn nhiệt thành.

thien-huong-dong-van

Sà Phìn (Hà Giang)

Bản Sà Phìn, bản làng của người dân tộc Dao, nằm nép mình dưới đỉnh Tây Côn Lĩnh hùng vỹ quanh năm sương mù bao phủ. Vì thế, chặng đường khám phá Sà Phìn cũng nằm trên hành trình chinh phục nóc nhà Đông Bắc ở độ cao 2427m, cũng lắm dốc đèo chênh vênh. Nếu bạn yêu thích các cung đường khám phá mạo hiểm thì không nên bỏ lỡ vùng đất này.

Thuộc xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, bản Sà Phìn được ví như ốc đảo giữa núi rừng trùng điệp. Sự thân thiện và hiếu khách của người Dao ở Sà Phìn cùng những nét văn hóa truyền thống còn lưu giữ đã tạo nên một vùng đất níu chân những tâm hồn phóng khoáng giữa đại ngàn. Đến Sà Phìn nhớ đi chợ lùi Sà Phìn – một trong những phiên chợ độc đáo nhất tại Hà Giang. Cũng đừng quên trải nghiệm nét văn hóa bản địa của người Dao và chiêm ngưỡng rừng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi tận miền sơn cước xa xôi.

sa-phin-ha-giang

Kết hợp khám phá các bản làng mộc mạc và các  trải nghiệm adventure thú vị tại Hà Giang, đặt chỗ trước, thanh toán sau cực kỳ dễ dàng tại intoWild!

Chia sẻ bài viết:

Có thể bạn quan tâm

Bài viết tương tự

You cannot copy content of this page

Email is not Boring!

Đăng ký nhận những nội dung mới nhất về du lịch từ intoWild-Life mỗi thứ 6 hàng tuần. Những câu chuyện mới nhất, xu hướng mới và điều thú vị nhất về du lịch sẽ được gửi trực tiếp đến email của bạn. Bạn có thể “ngừng theo dõi” bất cứ lúc nào.

intoWild-Logo-02.png

Cảm ơn bạn đã đăng ký. intoWild sẽ cập nhật những nội dung mới nhất vào mỗi thứ 6 hàng tuần. Hãy giữ liên lạc và giờ bạn có thể tiếp tục trải nghiệm các nội dung khác trên blog.

Hoặc tìm kiếm các trải nghiệm mạo hiểm tại www.intoWild.travel