cropped-intoWild-life-2-1.jpg
cot-moc

Top 9 Cột Mốc Toạ Độ Đáng Săn Đuổi Của Dân Mạo Hiểm

Đại Hưng

Đại Hưng

“Life is either a daring adventure or nothing.”

Cùng intoWild khám phá những cột mốc đáng săn đuổi của hội mê xê dịch mạo hiểm trên mọi cung đường từ Bắc tới Nam.

Lãnh thổ nước ta được đánh dấu bởi cực Đông, Tây, Nam, Bắc trải dài từ đồi núi gập ghềnh, cao nguyên, đồng bằng châu thổ đến duyên hải ven biển hay các đảo phía xa. Để chinh phục các cực hoang vu này thường không dễ. Khó khăn đến từ vị trí địa lý tách biệt, nằm ở nơi xa xôi, biên viễn, hẻo lánh hay do khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, khác biệt văn hóa vùng miền… Đặc biệt, những phượt thủ kinh qua hết 04 cực luôn đếm trên đầu ngón tay. Nếu những cung đèo không còn khuất phục được bạn, top núi khó chẳng khiến bạn lâng lâng… Đã đến lúc góp nhặt thêm vào hành trình bằng những điểm thiêng kiêu hùng, để thêm lần nữa sống thỏa đam mê khám phá. Chặng đường mới bắt đầu từ 04 cực và lan rộng đến những cột mốc ở Việt Nam. Cùng intoWild khám phá những cột mốc đáng săn đuổi của hội mê xê dịch mạo hiểm trên mọi cung đường từ Bắc tới Nam.

CỘT MỐC 79 – KHANG SU VĂN

mốc khang su văn

Vùng biên giới Việt – Trung trải dài qua nhiều tỉnh thành phía Bắc với những địa hình phức tạp và những dãy núi cao tựa như bức tường thành tự nhiên, bảo vệ biên viễn. Và huyện Phong Thổ, Lai Châu với đỉnh Khang Su Văn được xem là vùng hiểm trở nhất của Tây Bắc vì sở hữu các dãy núi cao như tường thành án ngữ, trấn ải nơi biên cương Tổ quốc. Đặc biệt là đỉnh Khang Su Văn và cột mốc 79 – ở độ cao 2.880m hiên ngang giữa đất trời.

Mốc 79 thuộc quản lý của đồn biên phòng Vàng Ma Chải trên vùng yên ngựa của đỉnh núi Khang Su Văn. Cột mốc này làm bằng đá hoa cương và được cắm vào ngày 24/10/20004, cũng là cột mốc biên giới cao nhất trên lãnh thổ Việt Nam. Hành trình chinh phục cột mốc 79 gắn liền với cung trekking Khang Su Văn – ngọn núi cao thứ 05 trong top 10 đỉnh cao nhất Việt Nam – nơi hội tụ nhiều thử thách đủ để thỏa mãn các cuồng chân mê khám phá. Địa hình hiểm trở kèm dốc cao đã tạo nên những ngọn thác hùng vĩ và ghềnh đá cheo leo, thêm những cánh rừng chè, rừng thảo quả, hoa đỗ quyên xen lẫn mảng xanh huyền bí, ảo diệu của rừng nguyên sinh hoang sơ ít dấu tích. Điều này khiến chặng đường chạm mốc càng trở nên thú vị hơn nhiều.

Cách đến Khang Su Văn:

Từ Hà Nội đi Sapa, đến Dào San, thuộc Lai Châu rồi đến điểm trekking tại Pa Vây Sử. Ngày thứ hai hành trình bạn sẽ chạm tay vào cột mốc 79 trước khi chinh phục đỉnh Khang Su Văn.

CỘT MỐC 428 – HÀ GIANG

cot-moc-428

Nằm ở mảnh đất địa đầu Hà Giang với đường biên giới trải dài hàng ngàn cây số, 428 là cột mốc thiêng liêng án định biên cương nước nhà. Đường vào mốc 428 cực kỳ trắc trở, nhiều khó khăn nên chỉ thích hợp với những tay phượt có sức khỏe và thích săn “04 cực 01 đỉnh 01 ngã ba”. Mốc 428 là một mốc đơn nhỏ, làm bằng đá hoa cương, nằm chính xác ở bản Xéo Lủng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, được cắm vào ngày 28/04/2008 ở độ cao 788m. Tuy chưa phải là điểm cực Bắc nhưng nó là cột mốc xa nhất về hướng Bắc của Tổ quốc. Đây là điểm tiệm cận nhất với “cực Bắc real”.

Cung đường chinh phục mốc 428 là một trong những hành trình phượt đầy kiêu hãnh và thỏa mãn đam mê mạo hiểm vào hàng bậc nhất tại Đông Tây Bắc. Vượt mấy trăm km từ cửa ngõ cao nguyên đá, bạn sẽ cùng đồng đội rong ruổi trên con đường Hạnh Phúc, len lỏi vào từng ngóc ngách Hà Giang, từ những điểm check-in nổi tiếng cho đến những bản làng còn hoang sơ nơi miền sơn cước yên bình.

Cách đến mốc 428:

Từ cửa ngõ cao nguyên đá, bạn men theo con đường Hạnh Phúc để đến với cột cờ Lũng Cú thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Từ đây, bạn trek thêm 4km đến bản Xéo Lủng sẽ thấy cột mốc 428. Hoặc bạn tìm theo cột đá Lũng Cú có tọa độ 105°19′23,7″Đ – 23°23′33″B. Sau đó đi thẳng tầm 01km sẽ thấy điểm “cực Bắc real” nằm giữa sông Nho Quế.

CỘT MỐC NGÃ 3 ĐÔNG DƯƠNG – KON TUM

moc-nga-ba-dong-duong

Đó là cột mốc không số nằm tại ngã ba Đông Dương gần cửa khẩu Bờ Y thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, giáp ranh tỉnh Ratanakari của Campuchia và tỉnh Attapư của Lào. Đây là điểm khởi đầu của biên giới Việt – Cam cũng là điểm kết thúc của biên giới Việt – Lào.

Cột mốc ba biên này được làm bằng đá hoa cương hình trụ tam giác, trên ngọn núi cao 1.086m và hoàn thành vào ngày 18/01/2009. Với mỗi mặt có khắc quốc huy và tên từng quốc gia mà mặt đó hướng về nên còn được gọi là mốc ngã ba Đông Dương.

Cách đến mốc ngã ba Đông Dương:

Theo đường mòn Hồ Chí Minh từ Quảng Nam lên Kon Tum, đi 80km đường hẹp để đến cửa khẩu quốc tế Bờ Y, men theo những bậc thang bê tông, bạn sẽ đến nơi.

CỘT MỐC 0 A PA CHẢI – CỰC TÂY

moc-cuc-tay-a-pa-chai

Trong 04 cực thì cực tây A Pa Chải được xem là điểm đến khó chinh phục nhất, đòi hỏi sự quyết tâm và bền bỉ cao độ nhất của bất kỳ ai muốn chạm đến. Mốc không số tại A Pa Chải Điện Biên được dân phượt gọi quen là mốc số 0 A Pa Chải, ấn định bằng cột mốc biên giới ba mặt, mỗi mặt có quốc huy và tên nước hướng đó, gồm Việt Nam – Lào – Trung Quốc. Chính xác thì cột mốc phía Tây của Tổ quốc có tọa độ 102°08′38,2″Đ – 22°24′2,6″B, được xây dựng ở độ cao 1.866m so với mực nước biển và nằm ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Chinh phục được A Pa Chải – nơi được mệnh danh “một tiếng gà gáy ba nước đều nghe”, là bạn có thể tự hào khi vượt qua một trong những điểm núi hiểm trở nhất Việt Nam rồi đấy! 

Cung đường chinh phục cực Tây trải qua nhiều địa hình phức tạp và nên có người dẫn đường. Để tới được đây, các tay mê khám phá mạo hiểm phải vượt qua quãng đường dài 8km, băng qua hai ngọn núi xen lẫn một đoạn đường bằng phẳng và cả những đoạn off-road kinh khủng. Sau đó, trekking lên núi Khoang La San nơi có cột mốc số 0 vững vàng.

Cách đến cực Tây:

A Pa Chải cách Hà Nội khoảng 500km, đa số các phượt thủ thường đi xe khách đến Điện Biên rồi từ Điện Biên phượt xe máy vào Mường Nhé và vào sâu Khoang La San. Lộ trình này tầm 300km: QL12 hướng Mường Chà – Si Sa Phìn – Chà Cang – Mường Nhé – Sín Thầu (điểm xuất phát).

MŨI ĐÔI – CỰC ĐÔNG TRÊN ĐẤT LIỀN CỦA VIỆT NAM

mui-doi

Sau nhiều tranh luận, cuối cùng Mũi Đôi Khánh Hòa cũng chính thức được công nhận là điểm cực Đông của Tổ quốc. Mũi Đôi thuộc bán đảo Hòn Gốm, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Hành trình chinh phục cực Đông và ngắm bình minh lên sớm nhất tại Việt Nam sẽ mất 02 ngày 01 đêm để hoàn thành. Hầu hết các dân phượt bụi mê săn tọa độ cực Đông 109°27’55″Đ – 12°38′54,2″B sẽ chọn cung đường trekking 02 ngày 01 đêm xuyên rừng, vượt bán sa mạc nắng cháy bỏng rát, băng qua những cồn cát nóng gay gắt để đến Bãi Rạng cắm trại qua đêm. Sau đó sẽ nhảy đá, leo dây thang và trèo ghềnh để ra được Mũi Đôi. Hành trình trekking Mũi Đôi đòi hỏi bạn phải có sức khỏe tốt và cả lòng quyết tâm hứng thú với chặng phượt bụi nhiều địa hình. Chạm đến cực Đông không chỉ thỏa mãn về việc chinh phục một tọa độ đặc biệt của Tổ quốc mà còn mang đến cho bạn trải nghiệm thú vị trước vẻ đẹp bao la biển trời của vịnh Vân Phong.

Cách đến cực Đông:

Từ HCM đi xe khách hoặc máy bay để đến với Nha Trang, sau đó di chuyển ra Đầm Môn bằng xe máy. Từ Đầm Môn, bạn bắt đầu cung đường trek Bãi Rạng – Mũi Đôi dài tầm 12km.

CỰC NAM MŨI CÀ MAU GPS 001

mui-ca-mau

Hành trình khám phá cực Nam có phần dễ chịu hơn rất nhiều so với các cực khác với con đường trải nhựa phẳng lỳ, thẳng tắp đến thị trấn Năm Căn. Để chạm vào cực Nam, bạn có di chuyển bằng đường bộ hoặc ca nô đều có thể đến với địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển – nơi có mốc tọa độ quốc gia GPS 001 104°49′52,6″Đ – 8°33′44,8″B và mũi thuyền Cà Mau sừng sững cùng con nước ở tận cùng Tổ quốc.

Bạn có thể dành một ngày ở Mũi Cà Mau vì đây là nơi duy nhất trên đất liền của Việt Nam có thể thấy toàn cảnh mặt trời mọc ở biển phía Đông và lặn ở biển phía Tây. Bạn cũng có thể tận hưởng không khí miền Tây bằng cách đi tham quan chợ nổi và rừng U Minh Hạ.

Cách đến cực Nam:

Ngoài dùng xe khách để di chuyển từ Hồ Chí Minh đến Cà Mau, các tay phượt săn cực thường xuyên vượt đường bằng xe máy. Sau khi đến thành phố Cà Mau, bạn đi thêm 100km nữa để tới Đất Mũi.

MỐC 42 – PUSILUNG

moc-42-pu-si-lung

Nằm ở độ cao 2.800m, 42 là cột mốc biên giới Việt – Trung thuộc tỉnh Lai Châu và chỉ khi trekking đỉnh Pusilung hùng vỹ, bạn mới có dịp “kinh” qua. Đây cũng là cột mốc cao thứ 02 Việt Nam chỉ sau mốc 79. Mốc 42 được làm bằng đá hoa cương và cắm vào ngày 08/10/2008 thuộc xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, do đồn Pa vệ Sử quản lý.

Hành trình chạm tay đến mốc 42 cũng là chặng đường chinh phục đỉnh Pusilung hùng vỹ. Cao 3.083m so với mực nước biển, Pusilung được đánh giá là một trong top 05 những ngọn núi khó chinh phục hàng đầu Việt Nam do tuyến đường trek quá dài và đầy sự khắc nghiệt. Áp lực về thời gian đối với các chân trek trên chặng đường này là rất lớn. Đổi lại, bạn sẽ được trải nghiệm khu rừng nguyên sinh hàng ngàn năm tuổi với thảm thực vật phân tầng độc đáo. Bạn có thể tham khảo thêm về Top 05 cung núi khó nhất dành cho nhà chinh phục.

Cách đến Pusilung:

Từ Hà Nội đến Sapa hoặc Lai Châu bằng xe khách. Sau đó, tại thị xã Lai Châu, bạn có thể phượt xe máy 130km để đến Mường Tè. Đi thêm 27km nữa để đến Pa Vệ Sử. Từ điểm trek ở đồn biên phòng lên tới đỉnh Pusilung và ngang qua mốc 42 sẽ mất khoảng 04 ngày 03 đêm vượt 100km đường rừng (cả đi lẫn về).

MỐC 92 LÀO CAI

moc-90-lao-cai

Được cắm vào ngày 07/12/2004 ở độ cao 114m so với mực nước biển, cột mốc 92 gồm 96 (1) nằm phía Việt Nam, 96 (2) và 96 (3) nằm trên bờ sông phía Trung Quốc. Cột mốc 92 ngày nay thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, được dựng hướng ra ngã ba, nơi sông Nguyên Giang của Trung Quốc hòa cùng dòng Lũng Pô của Việt Nam, đánh dấu điểm đầu tiên của con sông Hồng bắt đầu chảy vào nước ta. Tại nơi này, sông Hồng đã mang tải nặng phù sa đi qua nhiều tỉnh thành Bắc Bộ, bồi đắp thêm nhiều cánh đồng màu mỡ và hình thành nên cả một nền văn minh lúa nước sông Hồng.

Cách đến mốc 92:

Bạn có thể chọn đi xe khách hoặc phượt 287km bằng xe máy từ Hà Nội lên Lào Cai. Sau đó, từ Lào Cai bạn di chuyển theo hướng tỉnh lộ 156 lên thị trấn Bát Xát, tìm xã A Mú Sung và men theo bờ sông Hồng 20km là có thể nhìn thấy cột mốc 92.

MỐC 240 – ĐỒNG THÁP

Nằm ở cửa khẩu Thường Phước, thuộc xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, cột mốc 240 là ranh giới phân chia hai quốc gia Việt Nam và Campuchia. Từ nơi này, bạn sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ của con sông Mekong rộng lớn. Khởi nguồn từ Tây Tạng – Trung Quốc, sông Mekong chảy qua Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia rồi dừng lại ở Việt Nam, rẽ thành 09 nhánh tạo nên dòng Cửu Long huyền thoại, biểu tượng cho sự trù phú của miền Tây Nam Bộ.

Cách đến mốc 240:

Bạn có thể phượt xe máy từ Hồ Chí Minh theo QL1, qua địa phận tỉnh Long An, Tiền Giang, tới ngã ba An Hữu thì rẽ phải theo QL30 sẽ tới Cao Lãnh, và đi tiếp khoảng 58km nữa sẽ tới địa phận huyện Hồng Ngự.

moc-240-dong-thap

Liệu bạn đã chiến thắng chính mình và ghi dấu được bao nhiêu trải nghiệm, hay còn hoạt động mạo hiểm nào bạn vẫn chưa thử qua, tham khảo ngay tại Tổng hợp bộ môn Adventure tại Việt Nam – Bạn đã chinh phục được bao nhiêu rồi? và chọn đích đến mới cho hành trình tiếp theo nhé. Đừng quên bỏ túi Những lưu ý an toàn khi du lịch sau COVID để chặng đường chinh phục được an toàn và trọn vẹn hơn. Nếu bạn đã lên tinh thần rong ruổi, hãy để intoWild đồng hành cùng bạn ngay cung đường sắp tới.

Chia sẻ bài viết:

Có thể bạn quan tâm

Bài viết tương tự

You cannot copy content of this page

Email is not Boring!

Đăng ký nhận những nội dung mới nhất về du lịch từ intoWild-Life mỗi thứ 6 hàng tuần. Những câu chuyện mới nhất, xu hướng mới và điều thú vị nhất về du lịch sẽ được gửi trực tiếp đến email của bạn. Bạn có thể “ngừng theo dõi” bất cứ lúc nào.

intoWild-Logo-02.png

Cảm ơn bạn đã đăng ký. intoWild sẽ cập nhật những nội dung mới nhất vào mỗi thứ 6 hàng tuần. Hãy giữ liên lạc và giờ bạn có thể tiếp tục trải nghiệm các nội dung khác trên blog.

Hoặc tìm kiếm các trải nghiệm mạo hiểm tại www.intoWild.travel