Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the wordpress-seo domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /var/www/html/wp-includes/functions.php on line 6114
Điểm Danh Những Khu Rừng Cổ Tích Cho Dân "Cuồng" Trekking Tây Bắc - intoWild
cropped-intoWild-life-2-1.jpg
trekking-ta-xua

Điểm Danh Những Khu Rừng Cổ Tích Cho Dân “Cuồng” Trekking Tây Bắc

Hạo Trịnh

Hạo Trịnh

“Adventure is worthwhile in itself.”

Những mảng rừng xanh thẳm luôn dấy lên cảm giác tò mò và thám hiểm cao độ. Cùng intoWild điểm danh 06 khu rừng độc đáo nhất vùng Tây Bắc mà bạn chắc chắn phải đến một lần trong đời.

Việt Nam là một trong những quốc gia được tạo hóa ưu ái và ban tặng nhiều cảnh sắc thiên nhiên kỳ vỹ. Trong đó, Tây Bắc là vùng đất có địa hình rừng núi trập trùng và hiểm trở bậc nhất nước ta. Hành trình chinh phục Tây Bắc là hành trình vượt đèo, lượn dốc, xuyên qua những rừng cây bạt ngàn và in từng dấu chân miệt mài của các nhà chinh phục. Đích đến trekking Tây Bắc, không chỉ vượt cung khó hay chạm đỉnh, mà còn là khám phá bí mật ẩn sâu hun hút giữa lòng đại ngàn – rừng nguyên sinh.

Rừng nguyên sinh là kiểu rừng rậm rạp nhất, hoang sơ nhất và ít dấu vết tàn phá nhất. Với thảm thực vật xanh mát um tùm, những gốc cây cổ thụ cao chọc trời xen lẫn dòng thác chảy xiết bên vạt rêu và dương xỉ phủ đầy lối đi, rừng nguyên sinh kỳ bí còn là “thiên đường sống” của hệ thực vật đa dạng cùng nhiều loài quý hiếm cần được bảo tồn. Những mảng rừng xanh thẳm, ngút ngàn luôn dấy lên cảm giác tò mò và thám hiểm cao độ đối với các chân trek. Cùng intoWild điểm danh 06 khu rừng cổ tích độc đáo nhất vùng Tây Bắc mà bạn chắc chắn phải ghé ngang một lần trong đời.

trekking-tay-bac

Rừng trúc Putaleng

Nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn thuộc xã Tả Lèng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, Putaleng là ngọn núi cao thứ 3 trong top 10 đỉnh cao nhất Việt Nam. Nhưng với những nhà chinh phục say đắm sắc màu thiên nhiên thì đây còn được ví như khu rừng cổ tích, đầy huyền bí và vô cùng hùng vỹ.

Putaleng là khu rừng nguyên sinh rất hiếm với hệ thực vật được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Địa hình hỗn hợp, phần lớn xuyên rừng, đường trơn dốc, Putaleng có những thảm thực vật đa dạng, cây cổ thụ siêu to với lớp áo rêu và địa y xanh rì. Càng lên đỉnh, Putaleng sẽ chiêu đãi bạn vẻ đẹp ngất ngây của những thảm hoa đỗ quyên nhuộm sắc cả vùng trời. Nhưng sắc màu huyền bí và thách thức lòng người chinh phục lại nằm ở rừng trúc rậm rạp và xanh thẳm hun hút mang nét đặc trưng riêng của núi rừng Putaleng. Những khu rừng trúc này mọc ở độ cao lớn, đã hết rừng rậm, thường là ở đoạn cuối trên hành trình. Giữa rừng trúc vi vu tiếng gió, thêm những con thác lẩn khuất dưới tán cây già, Putaleng hiện lên có chút thanh tĩnh, vắng lặng ở đại ngàn. “Miền cổ tích” này chỉ đến với những tâm hồn mạnh mẽ, rộng mở, yêu thích núi rừng và mộc mạc như nhành cây ngọn cỏ hay con suối ở Putaleng mà thôi.

Cách đến Putaleng:
Xuất phát Hà Nội đến Lai Châu. Sau đó thuê xe máy, chạy thêm 7km nữa là đến chân núi Putaleng tại huyện Tam Đường.

  • Cung 1: từ bản Thô, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, Lai Châu. Cung này ngắn nhưng dốc và khó đi.
  • Cung 2: đi từ xã Tả Lèng, Lai Châu. Đoạn đường thoải, dễ đi nhưng dài hơn.
  • Cung 3: kết hợp lên núi từ bản Thô và xuống núi hướng Tả Lèng. Thưởng thức trọn vẹn cảnh đẹp sừng sững của Putaleng.

Thời điểm nên đi:

Khoảng tháng 3 – tháng 5 là mùa hoa đỗ quyên nở rộ đẹp nhất cũng là mùa trekking cung núi Tây Bắc.
Nếu muốn săn mây thì từ tháng 11 – tháng 12, nhưng khí hậu rất khắc nghiệt

Lịch trình khám phá cơ bản:

Ngày 0: Hà Nội – Sapa
Ngày 1: Sapa – Lán nghỉ Hồ Thầu
Ngày 2: Lán nghỉ Hồ Thầu – chinh phục đỉnh Putaleng – nghỉ đêm tại lán nghỉ Tả Lèng
Ngày 3: Lán nghỉ Tả Lèng – Sapa – Hà Nội

rung-putaleng
rung-putaleng

Rừng lá phong Tả Liên

Thuộc huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, Tả Liên còn có tên gọi khác là Cổ Trâu, nổi lên sừng sững với độ cao 2993m so với mực nước biển. Dù chỉ là đỉnh cao thứ 6 trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam nhưng Tả Liên Sơn lại là điểm trek có sức hút mãnh liệt với các nhà chinh phục bởi thảm thực vật nguyên sinh đa dạng như tán cây cổ thụ xum xuê, thân lớn đầy rêu phong và dương xỉ phủ rậm, thảm hoa trà rụng trắng lối, phiến đá lớn xếp chồng kỳ dị, đỉnh chóp nằm giữa cánh rừng hoa đỗ quyên rực rỡ trời Tả Liên… Nhưng đặc biệt nhất vẫn là rừng phong lá đỏ.

Rừng phong Tả Liên nhiều tầng, có cả cây cao ngọn trong tán rừng già cho đến vô số cây nhỏ chỉ ngang tầm đầu gối và mang vẻ đẹp thổn thức, ấn tượng cực mạnh mỗi mùa thu sang. Con đường mòn dẫn vào khu rừng rải rác lá phong khô dưới lối đi. Ở Tả Liên Sơn, cây lá phong mọc chen chúc nhau dọc đường mòn dẫn vào rừng. Tùy vào tuổi thọ của cây mà lá phong chuyển sắc vàng hay đỏ sớm hay muộn. Thường cây lớn tuổi thì lá chuyển màu nhanh hơn. Những cây lá phong già trút lá, khoảng màu vàng ươm xen lẫn đỏ rực của rừng phong như phần thưởng đắt giá cho sự cố gắng không ngừng dành cho những trái tim ưa xê dịch. Đó là trải nghiệm đặc biệt mà tay trek nào cũng mong có được.

trekking-ta-lien-son
Cách đến Tả Liên Sơn:
  • Cung 1: xuất phát từ Hà Nội đến Lai Châu, rồi đi đến Tả Lèng.
  • Cung 2: xuất phát từ Hà Nội đến Sapa. Sau đó, men theo cung đường đèo Ô Quy Hồ, qua Bình Lư rồi tới Tam Đường, Tả Lèng.
  • Sau khi đã đến được xã Tả Lèng, đi thêm 10km đến chân núi Tả Liên. Quãng đường này cực khó vì đường rất dốc, cần bạn bình tĩnh và vững tay lái.
Thời điểm nên đi:
  • Vào tháng 11, 12, khí hậu vùng Tây Bắc trở nên mát lành, rất lý tưởng để bạn trekking Tả Liên và ngắm rừng phong thay lá.
Lịch trình khám phá cơ bản:
Ngày 0: Hà Nội – Sapa
Ngày 1: Sapa – Tả Lèng – lán nghỉ ở độ cao 1900m
Ngày 2: Lán nghỉ ở độ cao 1900m – chinh phục đỉnh Tả Liên Sơn ở 2993m – Sapa – Hà Nội

Rừng rêu Tà Xùa

Tà Xùa là đỉnh núi nhô cao giữa cánh rừng nguyên sinh, nằm ở huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Ở độ cao 2865m, Tà Xùa sở hữu vẻ đẹp ma mị, huyền bí với cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ và là điểm trek cuốn hút nhiều tinh thần mê chinh phục. Nhắc đến Tà Xùa người ta nghĩ ngay đến “Sống lưng khủng long” trong truyền thuyết – nơi ngắm nhìn thác mây bồng bềnh dưới nắng sớm. Nhưng với những ai thích khám phá thiên nhiên thì Tà Xùa nổi trội cùng hình ảnh “vương quốc rêu xanh” ẩn sâu giữa lòng rừng già.

Để đến được rừng rêu, bạn sẽ trải qua hành trình dài bằng nhiều vực sâu, dốc cao. Gần đỉnh ở độ cao 2700m đến 2865m là thảm thực vật độc đáo của cánh rừng nguyên sinh rộng lớn còn vẹn nguyên nét hoang sơ như kỷ nguyên sơ khai. Rừng ở đây luôn âm u và ẩm ướt, cái lạnh toát ra và lan tỏa khắp mọi nơi. Càng đi sâu và lên cao, rừng rêu càng kỳ dị, rêu khắp mọi nơi, trải dài từng thảm ngay dưới mặt đất. Bước chân trên thảm rêu là trải nghiệm thích thú và lạ lùng nhất mà các tay trek từng trải qua. Loài rêu xanh, rồi chen thẫm, ngả vàng ngự trị khắp nơi. Những đợt thay đổi của lớp vỏ địa chất từ hàng triệu năm đã kiến tạo ra một dải núi Tà Xùa không thể ấn tượng hơn. Và khám phá rừng rêu nguyên sinh là một trong những trải nghiệm không thể bỏ qua khi trekking Tà Xùa.

trekking-ta-xua
Cách đến Tà Xùa:
  • Cung 1: Di chuyển từ Hà Nội đến thành phố Yên Bái, sau đó đi thêm khoảng 30km nữa sẽ đến huyện Trạm Tấu. Đến đây, đi thêm 6km nữa lên Bản Công.
  • Cung 2: đi từ Hà Nội đến Mộc Châu. Sau đó qua Tà Xùa. Cung đường này dài hơn với 310km.
Thời điểm nên đi:
  • Từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau là mùa đẹp nhất ở Tà Xùa. Đây là thời điểm săn mây và hoa rừng nở rộ khoe sắc.
Lịch trình khám phá cơ bản:
Ngày 0: Hà Nội – Trạm Tấu
Ngày 1: Trạm Tấu – Bản Công – mỏm Đầu Rùa – lán nghỉ dưới chân Sống lưng khủng long 2100m.
Cung đường buổi sáng phải băng nhiều suối, chiều sẽ lên dốc cao trong rừng rậm, thời gian trekking tầm 9 tiếng.
Ngày 2: Lán nghỉ 2100m – đỉnh 3 (2865m) – lán nghỉ 2100m.
Ngày 3: Lán nghỉ 2100m – Trạm Tấu – Hà Nội

Rừng nguyên sinh Nam Kang Ho Tao

Nam Kang Ho Tao – cung trek khó nhất Tây Bắc. Dù chỉ xếp thứ 12 cả nước về độ cao nhưng với các nhà chinh phục “có tuổi” thì đây là hành trình hành xác tàn khốc nhất mà họ trải qua. Cung trek Nam Kang Ho Tao dù chỉ có độ cao 2881m so với mực nước biển nhưng sở hữu địa hình phức tạp, hoang sơ với những vách đá khổng lồ dựng đứng. Thế nhưng, những điều càng thách thức lại càng ẩn chứa sự hấp dẫn bên trong. Với Nam Kang Ho Tao đó là khung cảnh thiên nhiên hùng tráng của những cánh rừng nguyên sinh còn hoang sơ hiếm người lui tới. Bạn sẽ có cơ hội ngang qua từng mảng rừng xanh ngắt mát lành. Rừng cây mọc lên san sát xen lẫn những đoạn dốc gần như dựng đứng, rồi tiếp nối cảnh đẹp độc đáo với rừng cây Pơ Mu ngàn năm tuổi cùng suối, thác và cả rừng tre trúc sắc nhọn. Bạn còn tận hưởng những mùi vị rất khác giữa mảng xanh nguyên sinh này với thảm động thực vật đa dạng nhất. Nam Kang Ho Tao mang đậm hơi thở trong veo của rừng xanh Tây Bắc.

nam-kang-ho-tao
Cách đến Nam Kang Ho Tao:
  • Xuất phát từ Hà Nội đến Sapa – Lào Cai (320km) hoặc đi đến Lai Châu (400km). Từ Sapa đến xã Hố Mít tầm 82km, còn từ Lai Châu khoảng 20km. Có thể kết hợp cung ngắm lúa theo tuyến Hà Nội – Nghĩa Lộ – Mù Cang Chải (350km) hay thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van nhưng từ Tả Van vào Dền Thàng offroad cực xấu. Đến xã Hố Mít chỉ có một con đường duy nhất vào bản Thào A, tầm 10km, đường siêu xấu, nhiều ổ gà, sỏi đá, gập ghềnh.
  • Bạn cũng có thể đi lên đỉnh theo lối Lai Châu (bản Thào A) và về lối Lào Cai (xã Dền Thàng) hoặc ngược lại.
Thời điểm nên đi:
  • Từ tháng 2 – hết tháng 3 và từ khoảng tháng 9 – hết tháng 11. Thời tiết lúc này tương đối mát mẻ và ổn định giúp chuyến đi an toàn và dễ thở hơn.
  • Tuyệt đối không trekking vào tháng 5 – tháng 9 vì đây là mùa mưa lũ, những cơn lũ quét có thể tràn đến bất cứ lúc nào cùng với rủi ro bị nhiễm sốt rét giữa rừng. Đừng đùa với Nam Kang Ho Tao mùa lũ nhé.
Lịch trình khám phá cơ bản:
Ngày 0: Hà Nội – Sapa
Ngày 1: Sapa – Than Uyên – điểm hạ trại 1 tại rừng thảo quả
Cung đường sáng băng nhiều suối, chiều sẽ lên dốc cao trong rừng rậm, thời gian trekking tầm 9 tiếng.
Ngày 2: Điểm trại 1 tại rừng thảo quả – đỉnh Nam Kang 2881m – điểm trại 2 tại Vùng Yên Ngựa
Ngày 3: Điểm trại 2 tại Vùng Yên Ngựa – Sapa – Hà Nội

Rừng nguyên sinh Lùng Cúng

Đỉnh núi cao 2913m, quanh năm mây trắng bao phủ với cái tên được đặt theo một bản nằm sâu trong vùng núi non hiểm trở bậc nhất tại xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, Lùng Cúng mang trong mình vẻ đẹp vô cùng riêng biệt với hệ thống rừng nguyên sinh đa dạng và cực kỳ hoang sơ, đẹp vào hàng bậc nhất trong top các đỉnh núi cao nhất Việt Nam, gồm: đồi cỏ lau mộng mơ, rừng trúc nắng xuyên mờ ảo, rừng rậm kì bí, suối thác xen lẫn rừng già cùng muôn loài hoa rực rỡ khoe sắc. Mỗi mùa trong năm, Lùng Cúng lại sở hữu vẻ đẹp khác nhau. Bạn sẽ ngang qua những khu rừng nở trắng hoa táo mèo, rừng trúc phủ đầy rêu phong cả những phiến đá kỳ dị, những cây cổ thụ già nua ngàn năm tuổi nằm nép mình giữa cánh rừng xanh. Càng gần đến đỉnh, bức tranh thiên nhiên sẽ có sự thay đổi ngoạn mục khi cánh rừng già lùi dần về sau, chỉ còn ẩn hiện những triền hoa trắng cùng cơn gió buốt lạnh và lênh đênh giữa đại dương mây trắng xóa lửng lơ.

trekking-lung-cung
Cách đi đến Lùng Cúng:
  • Từ Hà Nội đến Yên Bái mất 250km, sau đó, đi sâu vào xã Tú Lệ thuộc Mù Cang Chải. rẽ vào Namak Có, rồi đi thêm 20km sẽ đến bản Tu San. Tại đây có đường lên núi.
  • Ngoài Tu San, còn có 02 hướng khác để lên núi: hướng bản Lùng Cúng (Nậm Có) và hướng Thào Chua Chải (xã Chế Cu Nha).
Đi vào mùa nào để ngắm:
  • Tháng 1 – tháng 3: thích hợp săn mây và khu rừng rực rỡ với muôn loài hoa.
  • Tháng 9 – tháng 10, là mùa lúa và táo mèo chín.
  • Tháng 11 – tháng 12, thích hợp trekking nhất khi Lùng Cúng trổ đầy sắc vàng dã quỳ, sắc tím hoa dại và săn mây trên đỉnh.
  • Tháng 5 – tháng 8: mùa mưa bão, không nên đi.
Lịch trình khám phá cơ bản:
Ngày 0: Hà Nội – Tú Lệ
Ngày 1: Tú Lệ – điểm trại 2500m.
Ngày 2: Điểm trại 2500m – đỉnh Lùng Cúng 2913m – Tú Lệ – Hà Nội

Rừng nguyên sinh Khang Su Văn

Hành trình trekking Khang Su Văn là chặng đường chạm tới cột mốc biên giới số 79 – cột mốc cao nhất Việt Nam và cũng là cung đường chinh phục Phàn Liên San hay U Thái San (tên gọi khác của ngọn núi này) ở độ cao 3012m – thuộc top 5/10 đỉnh núi cao nhất nước ta.

Khang Su Văn thuộc xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nơi được ví von là bức tường thành tự nhiên miền biên viễn bảo vệ lãnh thổ Việt Nam với Trung Quốc. Khang Su Văn gây ấn tượng mãnh liệt với các nhà chinh phục mê đắm thiên nhiên bởi thác nước trắng xóa cheo leo giữa rừng, bởi cột mốc 79 hiên ngang đất trời trên độ cao hơn 2880m, nơi dấy lên lòng tự tôn dân tộc và cái nhìn rộng mở, ngắm đất nước hùng vĩ khi chạm tay vào mốc thiêng liêng. Nhưng đặc biệt nhất ở Khang Su Văn là chứa đựng khu rừng nguyên sinh độc đáo và cực kì phong phú, ít nơi đâu có được nhờ vào mảng rừng hầu như chưa hề có sự tác động của con người gồm: rừng chè cổ thụ ngàn năm tuổi, rừng thảo quả, hoa đỗ quyên trắng vàng cùng những gốc rêu xanh phủ đầy mọi cành cây, ngọn lá.

Khu rừng thảo quả nằm ở ngay chặng leo đầu tiên, dưới tán cây rậm rạp là bạt ngàn rừng thảo quả với nhiều loại khác nhau. Đây cũng là rừng thảo quả lớn nhất vùng núi Tây Bắc, chúng phát triển mạnh mẽ ở độ cao từ 1800m với những thân cây cao quá đầu người, xòe lá, lấn chiếm cả đường đi của những tay trek. Nếu may mắn, bạn sẽ được chiêm ngưỡng hoa thảo quả mọc kín đáo bên dưới gốc cây, từng chùm hoa bắt đầu kết trái. Người H’Mông ở đây nói rằng, khi chín, quả thảo quả có màu đỏ mận đặc trưng, theo đó là mùi hương nồng nàn tỏa lan khắp Khang Su Văn. Vị quả này ngọt lựng và thanh thanh như núi rừng Tây Bắc.

trekking-khang-su-van
Cách đi đến Khang Su Văn:
Từ Hà Nội đến Lai Châu (390km). Tại trung tâm thành phố Lai Châu, di chuyển đến Dào San, rồi vào sâu trong bản Pa Vây Sử, tầm 80km mất 3h30.
Thời điểm nên đi:
  • Từ tháng 2 – tháng 4: mùa hoa nở khắp sườn núi.
  • Từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5: mùa đỗ quyên cũng là mùa trekking.
  • Từ tháng 9 – tháng 10: mùa trek săn mây.
  • Từ tháng 12 – tháng 1: dễ có tuyết.
Lịch trình khám phá cơ bản:
Ngày 0: Hà Nội – Sapa
Ngày 1: Sapa – Pa Vây Sử – điểm trại 2600m
Ngày 2: Điểm trại 2600m – cột mốc 79 – đỉnh Khang Su Văn 3012m – điểm trại 2600m
Ngày 3: Điểm trại 2600m – Sapa – Hà Nội

Hành trình chinh phục các khu rừng nguyên sinh tưởng chừng chỉ còn trong truyền thuyết là hành trình vượt thảy những gian nan, bỏ quên những nhọc nhằn và tìm đến thiên nhiên bằng cái nhìn phóng khoáng nhất. Để sau chặng đường ấy, bạn biết quý trọng thêm những mảng rừng nguyên sinh hoang sơ đang ngày mất đi.  Rừng nguyên sinh Tây Bắc đáng được giữ gìn và bảo tồn, bởi đó là lá phổi của Việt Nam nhưng cũng là trái tim của đại ngàn.

Chia sẻ bài viết:

Có thể bạn quan tâm

Bài viết tương tự

You cannot copy content of this page

Email is not Boring!

Đăng ký nhận những nội dung mới nhất về du lịch từ intoWild-Life mỗi thứ 6 hàng tuần. Những câu chuyện mới nhất, xu hướng mới và điều thú vị nhất về du lịch sẽ được gửi trực tiếp đến email của bạn. Bạn có thể “ngừng theo dõi” bất cứ lúc nào.

intoWild-Logo-02.png

Cảm ơn bạn đã đăng ký. intoWild sẽ cập nhật những nội dung mới nhất vào mỗi thứ 6 hàng tuần. Hãy giữ liên lạc và giờ bạn có thể tiếp tục trải nghiệm các nội dung khác trên blog.

Hoặc tìm kiếm các trải nghiệm mạo hiểm tại www.intoWild.travel